Lăng mộ 3.000 cây vàng của ông hội đồng cự phú
Ông Nguyễn Ngọc Ẩn người thừa kế khu mộ 3.000 cây vàng.
Chân dung Hội đồng Suông
Trong nhiều ngày lang thang ở dải đất cuối cùng phía Nam Tổ quốc, chúng tôi tình cờ được nghe những người dân nơi đây kể về một nhân vật nổi tiếng của Nam Kỳ lục tỉnh xưa, với những câu chuyện hết sức ly kỳ. Chúng tôi không khỏi kinh ngạc khi biết rằng, câu chuyện ông Hội đồng nhọc nhằn xây khu lăng mộ khủng (ông đã chi 6 can nhựa 50 lít đựng vàng thoi) để làm nơi an nghỉ cho cha mẹ, với mục đích chỉ là để đền đáp ơn sinh thành.
Khi đi sâu tìm hiểu đời tư của ông, qua những tư liệu lịch sử, những câu chuyện của thế hệ con cháu kể lại, chúng tôi đã không khỏi kinh ngạc trước cuộc đời của một đại địa chủ, giàu nứt đố đổ vách, có đóng góp không nhỏ cho cách mạng. Ông không có con ruột nối dõi tông đường, chỉ có con nuôi, cuộc đời kết thúc bằng một cái chết bất đắc kỳ tử, đến nay vẫn không rõ nguyên nhân.
Thấy tôi trầm trồ về sự hoành tráng của ngôi lăng mộ, ông Nguyễn Ngọc Ẩn (80 tuổi, người cháu rể, gọi Hội đồng Suông bằng cố) không mấy ngạc nhiên. Bởi, từ khi thừa hưởng khối tài sản khổng lồ này, ông đã chứng kiến không biết bao nhiêu đoàn khách trong và ngoài nước tìm đến tham quan và thán phục.
Ông còn nhớ, mấy năm trước có một vị khách ở Hà Nội, chỉ vì tò mò khu mộ trị giá 3.000 lượng vàng mà bỏ cả công việc, đích thân đáp một chuyến máy bay vào thành phố Rạch Giá chỉ để được tận mắt nhìn thấy, sờ nắn khu mộ thuộc hàng độc này. Ông Ẩn bảo, số vàng 3.000 lượng xây mộ là con số đã được trừ hết chi phí lặt vặt, thực tình con số còn lớn hơn thế.
Theo tài liệu lưu trữ tại Bảo tàng tỉnh Kiên Giang, Hội đồng Suông người gốc Hoa, tên thật là Hà Mỹ Suông. Dòng dõi của ông xuất thân từ Phúc Kiến (Trung Quốc), nằm trong đoàn người bất mãn nhà Thanh (phong trào bài Minh phục Thanh cuối thế kỷ XVII, đầu thế kỷ XVIII) mà dong thuyền xuống phía Tây Nam nước ta, được chúa Nguyễn chấp nhận cho định cư sinh sống.
Đến đời ông Suông là đời thứ 4. Do cần cù, chăm chỉ làm ăn, ông Suông nhanh chóng giàu có, rồi tham gia Hội đồng quản Hạt. Những ký ức về ông cố mình, ông Ẩn không nhớ nhiều. Chỉ biết rằng, Hội đồng Suông giàu đến mức tỉnh trưởng Hà Tiên và các quan lại Pháp lúc bấy giờ cai trị ở nơi đây cũng phải kính nể.
Tuy là một đại địa chủ nhưng ông sống trung lập và rất đức độ, không hà hiếp dân lành, nếu ai mướn ruộng không đóng thuế, ông sẵn sàng cho không. Đối với người Pháp, ông cho tiền để chúng không hà hiếp dân lành. Vậy nên trong hơn 100 địa chủ trong vùng, ông Hà Mỹ Suông là người được dân chúng mến mộ nhất.
Có một chuyện mà ít ai biết đến là khu tầng hầm của mộ từng là nơi diễn ra các cuộc họp của Tỉnh ủy Kiên Giang thời kỳ đầu của cách mạng. Sinh thời, Hội đồng Suông không làm chính trị, nhưng thường tự nguyện giúp gạo, tiền cho cách mạng. Do vậy, ông được cách mạng ghi nhận.
Chuyện chưa biết về hành trình xây mộ
Ông Ẩn vẫn còn nhớ như in câu chuyện ông cố mình xây mộ từng xôn xao khắp Nam Kỳ hồi đầu thế kỷ XX. Chuyện rằng, do không có con ruột nối dõi tông đường, nên tất cả số tiền Hội đồng Suông đều mua vàng dự trữ. Chẳng mấy chốc đã đầy 6 thùng lớn, mỗi thùng tương đương với can đựng 50 lít nước bây giờ, giấu trong góc nhà. Để nhớ ơn cha mẹ, Hội đồng Suông báo hiếu bằng cách xây lăng mộ để làm nơi an nghỉ cho cha mẹ.
Nhưng đó không phải là ngôi mộ đơn thuần mà phải đạt được tầm của một dòng họ danh gia vọng tộc. Vĩnh viễn hưng thịnh ngàn đời, vừa mang đậm phong cách truyền thống vừa mang phong cách Việt Nam, nơi đã cưu mang tổ tiên ông những ngày lưu lạc.
Khu đất ông chọn xây là vùng chiêm trũng, nên bắt buộc phải đôn lên thành gò, làm nền. Ông phải thuê 60 người dân đào đất hàng tháng trời mới cơi được nền cao hơn so với mặt ruộng và đắp một quả núi đất cao 5m để mộ tựa lưng vào núi. Xong, Hội đồng Suông lại cho người đi kiếm vật liệu. Vật liệu cũng phải đặc biệt, không đụng hàng. Ông chọn đá cẩm thạch, một loại đá quý lúc bấy giờ.
Đích thân ông phải lặn lội sang tận Hong Kong (Trung Quốc) mua, nhưng đá đó phải nhập từ Thụy Sỹ. Còn đá núi, ông cho người ra tận núi Ngũ Hành Sơn lấy về. Đá cẩm thạch dùng để ốp tường, làm hầm mộ, đá núi Ngũ Hành Sơn dùng để xây hòn non bộ giả núi. Ông Ẩn nhớ lại câu chuyện xây mộ do cha ông kể lại rằng, để có được đá ưng ý, đoàn thuyền của Hội đồng Suông phải căng buồm chạy mấy tháng trời mới mang được vật liệu từ ngoài miền Trung về.
Khi vật liệu đã đầy đủ, ông lại cho người đi thuê thợ. Thợ xây mộ là những nghệ nhân có tay nghề giỏi bậc nhất, được tuyển chọn từ tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc) sang. Tốp còn lại, ông ra Hải Phòng tuyển tiếp, với dụng ý, khu lăng mộ sẽ có sự hòa trộn giữa hai nền văn hóa Việt Hoa. Mỗi tốp đều có một thợ trưởng chỉ đạo, trông coi suốt quá trình thiết kế và xây dựng. Suốt 2 năm trời ròng rã thi công từ 1935 đến năm Bính Tý (1936) mới xong. Lễ khánh thành khu lăng mộ, dân chúng nườm nượp đến xem, công trình mộ có một không hai này, nhiều viên quan người Pháp cũng phải trầm trồ nể phục.
Ông Ẩn dẫn chúng tôi tham quan toàn bộ khu lăng mộ. Quả không hổ danh lời dân gian truyền miệng, ngôi mộ xứng tầm của một Hội đồng từng giàu có nhất vùng. Hai bên hòn non bộ sừng sững như quả núi tự nhiên, điều đáng nói là phong cách ghép hòn non bộ rất độc đáo, khác hẳn những hòn non bộ bình thường. Trong lòng mỗi hòn non bộ đều có ngóc ngách, người ta có thể chui ra chui vào. Trên mỗi hòn, có những bức tượng nhỏ mô phỏng cảnh người thiền, ngâm thơ, câu cá, tạo một khung cảnh tựa bồng lai.
Chúng tôi men theo lối dẫn vào khu thạch mộ. Những khối đá quý được ghép từ hồi đầu thế kỷ trước thật lạ, vẫn mới tinh như vừa được đánh bóng. Tất cả khuôn viên, nền mộ và trần che nắng mưa đều ghép từ những khối cẩm thạch mài nhẵn thín, được ghép lại bằng những múi vữa rất bền chắc. Phần tiếp theo là gian thờ tự được thiết kế theo kiến trúc đình chùa, hai gian 3 chái.
Ở giữa là gian thờ tự, 2 chái bên cạnh dành cho người ở để hương khói. Bên trên mái lợp được tô vẽ hình rồng, phượng, nghê rất uy nghi, bên trong gian thờ tự được điểm những bài thơ bằng chữ Hán rất thâm thúy. Không những kiến trúc nổi, khu mộ còn xây cả tầng hầm theo quan niệm có trần gian và địa ngục. Địa ngục được thiết kế theo quan niệm 9 tầng địa ngục, mỗi tầng được mô phỏng theo quan niệm dân gian.
Ông Ẩn cho biết, ngày trước, dưới 9 tầng địa ngục có vẽ hình Diêm vương trừng phạt kẻ tội lỗi, treo trên các dải lụa màu đen để mô phỏng con đường xuống âm phủ. Thế nhưng, trong những biến động loạn lạc, người dân phá cửa vào lấy đi hết.
Theo Người Đưa Tin
0 nhận xét:
Đăng nhận xét