Thứ Tư, 2 tháng 7, 2014

Những xác ướp của người Việt cổ

Những xác ướp của người Việt cổ

(ANTĐ) - Sau cuộc khảo cổ xác ướp  của tướng quân Đinh Văn Tả thế kỷ XVIII - sự kiện khảo cổ học đầu tiên ở Hải Dương vào năm 1942, người ta bắt đầu chú ý đến những ngôi mộ cổ ở địa phương này. Những ngôi mộ cổ bao giờ cũng mang theo nhiều điều bí ẩn và dân gian vẫn truyền nhau rằng mộ vua chúa, quan lại thường chôn theo tiền, vàng, tư trang.
Bí ẩn của quá khứ:
Chính vì thế ở Hải Dương bắt đầu xuất hiện việc đào trộm mộ cổ. Cho đến  khoảng những năm 80, 90, tình trạng đào phá  mộ cổ diễn ra vô cùng tàn bạo, và khủng khiếp... Thậm chí có trưởng họ sẵn sàng gọi người đến bới cả mả tổ lên để xem có gì không, ngay như phần mộ của cụ Nguyễn Phi Khanh (cha của danh nhân Nguyễn Trãi) được chôn trên đỉnh núi cũng bị bọn đạo chích bới tung để tìm kiếm của nả và đồ cổ...
Ngôi mộ cổ 200 năm vẫn còn nguyên xác ướp
Vào cuối năm 1982, ở  An Vĩ, Khoái Châu, Hải Hưng (Hải Dương bây giờ), dân làng được một phen náo loạn khi đào mương thoát nước phát hiện một ngôi mộ cổ. Người kéo đến xem khu mộ cổ đông như kiến.  Sự đồn thổi về những điều bí ẩn, về những kho báu mang trong lòng những ngôi mộ cổ đã khiến người dân không thể kìm nén được sự tò mò, họ bàn nhau tìm cách bật nắp ngôi mộ cổ mà không cần biết đó là di sản văn hóa cần phải xin phép trước khi khai quật.
 Cuối cùng thì họ cũng đục thủng được chiếc quan tài. Những người dân biết chuyện đã báo lên chính quyền. Ông Tăng Bá Hoành - một nhà khảo cổ của Hải Hưng, cấp tốc đạp xe 100 cây số để về An Vĩ nơi có ngôi mộ cổ và những người dân hiếu kỳ vẫn nóng lòng muốn biết về những điều bí ẩn được chôn sâu trong lòng đất. Khi ông Hoành về đến nơi người dân vẫn xúm đen quanh ngôi mộ, lực lượng công an bảo vệ giải tán không xuể. Thi hài trong ngôi mộ sau khi mở đã bị ôxy hóa bốc mùi xác ướp.
Ông Hoành cho biết mùi xác ướp kết hợp với dầu tràm thành mùi đặc trưng vô cùng khó chịu mà nếu ai đứng gần cũng sẽ phải lợm giọng, thậm chí người đào mộ mà không có găng tay tốt thì mùi lợm giọng ấy sẽ ngấm qua da, cả chục ngày không hết. Đây là một ngôi mộ được xây theo kiểu trong quan ngoài quách, phía ngoài được xây bể, tiếp đến là một lớp trạt hợp chất được làm từ vỏ sò đốt cháy trộn với mật đường và xơ giấy bản. Quan tài dài 3,4 mét làm bằng gỗ thông già (gọi là ngọc am) được chia thành 3 khoang. Đáy quan tài có hai ngăn, bên trên là một tấm ván có 7 lỗ khoan giống hình Bắc Đẩu thất tinh vì theo quan niệm thì khi chết, người ta có mong muốn được nằm trên các vì sao.
Còn về mặt khoa học, các nhà khảo cổ cho rằng đây là một “công nghệ” của việc ướp xác, bởi những lỗ khoan đó sẽ giúp cho việc thấm nước chảy ra từ di hài khi bị phân hủy. Phía dưới tấm ván thất tinh được trải một lớp gạo rang rất dày (cũng có mộ được trải bằng chè khô), lớp gạo rang này có tác dụng hút ẩm, thấm nước từ phía trên chảy xuống. Di hài được mặc 12 bộ quần áo lồng vào nhau từ trong ra ngoài, tay có đeo bao tay, chân đi hài.
Tiếp đó lại được cuốn vào tấm tiểu liệm theo đúng trình tự với những nút thắt buộc ngang dọc đúng như trong sách “Thọ Mai gia lễ” (cuốn sách có nói về nghi thức tang lễ của người Việt xưa). Sau đó thi hài lại tiếp tục được cuộn vào tấm đại liệm rộng 12m2 bằng lụa hồng, may thành từng ô, rồi lại được thắt buộc thành hình dài đặt vừa khít quan tài. Theo ông Tăng Bá Hoành thì số vải dùng để khâm liệm thi hài là 500m2. Trên thi hài mặc 12 lớp áo, để bên ngoài 20 bộ, trên áo, vải áo có chữ “Hán phủ chế”.
Theo sách sử thì hàng quan ngũ phẩm trở lên thì được mặc hàng Tàu, người chết là quan nhị phẩm nên xác định mặc hàng Tàu là đúng. Tất cả đồ dùng cá nhân đều được mang theo gồm một hộp đựng dầu rất giống gốm Chu Đậu nhưng bằng gỗ và một cái quạt. Trong quan tài còn có tấm minh tinh với 72 chữ có ghi chức danh mạ vàng vẫn còn nguyên.
Với những tài liệu để lại thì đây là mộ của Đại Tư đồ, quan Thái giám Nguyễn Bá Khanh mất vào thế kỷ XVIII, thọ 64 tuổi. Sau khi khai quật lăng mộ Đại Tư đồ Nguyễn Bá Khanh, các nhà khảo cổ đã thu hoàn chỉnh quan tài và đồ tùy táng, đây chính là ngôi mộ minh xác về mặt khoa học trên nhiều phương diện, từ đó có thể tìm được nguyên bản của lịch sử về phong tục tập quán, nghề cổ truyền, về văn hóa thế kỷ XVIII. 
“Công nghệ” ướp xác độc đáo
Thực tế Hải Dương là vùng mang đậm dấu ấn thời kỳ phong kiến, nên nơi đây còn tồn tại rất nhiều mộ cổ. Ngoài mộ Tư đồ Nguyễn Bá Khanh, ông Tăng Bá Hoành còn tìm được rất nhiều mộ xác ướp tương tự như: Mộ của vợ ba chúa Trịnh Tùng là bà Nguyễn Thị Ngọc Chén ở thế kỷ XVII tại Ô Mễ (Tứ Kỳ), mộ quận công Thượng tướng Nguyễn Văn Linh, TK XVII, tại thôn Thượng Xá, xã Thượng Quận (Kinh Môn)...
Phần lớn các ngôi mộ của hàng vua chúa, quan lại thời kỳ này nghi thức mai táng cầu kỳ và thường là mộ hợp chất. Đặc biệt ở thời Lê sơ và cuối thời Lê sơ, đầu thời Mạc, mộ chí được làm rất cẩn thận, mộ thường được đặt trong hộp đá, có khi là đá nguyên khối, hoặc những miếng đá dày ghép lại, sau đó mới chôn xuống đất.
Theo ông Hoành thì thời kỳ bùng nổ mộ ướp xác vào khoảng thế kỷ XV đến nửa đầu thế kỷ XIX, sau đó mộ ướp này không còn xuất hiện nữa. Song qua nghiên cứu mộ cổ thời kỳ này cho thấy kỹ thuật ướp xác rất khoa học và đơn giản của người Việt cổ. Việc ngôi mộ đã chôn vùi trong lòng đất, vượt qua thời gian đến 200 năm mà không bị phân hủy đã thể hiện “công nghệ” ướp xác theo cách của người Việt cổ rất độc đáo, khác hẳn với các nước khác như Ai Cập cổ đại hoặc ở Trung Quốc.
Người Việt không ướp xác mà chỉ rắc dầu tràm, dầu thông vào thi hài và trong áo quan để ngăn không cho vi khuẩn, các loại yếm khí xâm nhập có thể hủy hoại thi hài, trong khi đó ở một số nước khác, người ta thường dùng phương pháp ướp thủy ngân, nước muối, hoặc mổ xác để ướp. Qua các cuộc khai quật mộ của người Việt cổ cho thấy thi hài không có vết mổ, hoặc rạch điều đó chứng tỏ ruột và óc của người chết không bị lấy ra trước khi chôn.
Song chính trong các nguyên tắc khâm liệm cầu kỳ của người Việt cổ đã tạo ra môi trường kín tuyệt đối, không khí không có điều kiện lọt được vào quan tài dẫn đến việc thi hài không thể phân hủy. Bên cạnh việc cuốn gói khâm liệm thi hài bằng nhiều lớp vải, người xưa còn làm những túi  được gọi là  bổ khuyết bằng vải khô may như nêm cối chèn vào hai bên đùi, ống chân, hoặc những khe hở khác khiến quan tài đặc khít.
Quan tài được làm bằng gỗ khít, lại sơn, thếp cẩn thận, bên ngoài được trạt bằng lớp hợp chất dày từ 5 đến 7cm, sau đó lại trạt  bao bằng đất sét, hoặc đặt vào quách đá nên không có hiện tượng trao đổi giữa bên trong và bên ngoài... Ngoài ra, việc trải thóc rang, gạo rang, chè, than, dưới đáy áo quan cũng có tác dụng hút ẩm, hút nước và  yếm khí nên thi hài khó bị phân hủy.
Bên cạnh đó, còn có những ngôi mộ thuyền được táng từ đầu công nguyên nhưng vẫn còn nguyên. ông Hoành cho biết nếu ai nhìn thấy lần đầu tiên thì thật khó để tưởng tượng là nó đẹp như vậy, những sơn then, sơn huyết dụ trải qua hàng nghìn năm nhưng vẫn giữ được màu sắc, có những ngôi mộ khi bật nắp ván thiên, mọi thứ trong mộ không thay đổi hoặc bị biến dạng là mấy, ngay cả đồ ăn thức uống được chôn theo cũng vẫn còn.
Ngôi mộ cổ ông Hoành khai quật năm 2001, ở Văn An, Chí Linh, Hải Dương đã 2000 năm tuổi, trong mộ ngoài đồ tùy táng, còn có xương chó, xương lợn, và vài chục hạt quả vải chua, đặc biệt trong mộ còn tìm thấy chiếc di bằng đồng từ thời nhà Chu tồn tại đến thời Hán, được tán đinh đẹp mà theo ông Hoành thì ai cũng tưởng đó là sản phẩm của thời kỳ hiện đại. Chiếc di hình bầu dục có xích treo để dùng cho quan lại rửa tay.
Qua đó đã chứng tỏ phong tục mai táng của người Việt xưa chôn theo những vật dụng thường dùng của người chết và đồ ăn với quan niệm “sống sao thác vậy”. Cũng chính từ việc nghiên cứu những ngôi mộ cổ còn giúp các nhà khoa học biết được người Việt không chôn theo nhiều của nả để cất giữ khi chết như phong tục của người Hán.
 Người Hán có thể để cả chục cân vàng, hay người Ai Cập thì có tới hàng tấn vàng chôn theo mộ nhưng người Việt  thì khác khi mai táng chỉ có đồ tư trang, như hoa tai, trâm vàng, vua chúa thì cúc áo vàng, một vài vật dụng thường dùng như đồ gốm, đồ đồng, bên cạnh đó còn có thêm một số đồ tùy táng như đối với nữ thường có túi đựng trầu cau, đối với nam thì có chiếc quạt giấy... chứ không có những “kho báu” như lời đồn và như sự lầm tưởng của dân chuyên đào trộm mộ cổ.
Đinh Kiều Nguyên 
Đinh Kiều Nguyên

0 nhận xét:

Đăng nhận xét